Hiển thị các bài đăng có nhãn cảnh quan đà lạt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cảnh quan đà lạt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Kiến trúc cảnh quan Đà Lạt dưới góc nhìn nghệ thuật

Đà Lạt ngày nay đã trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng với hơn 200 ngàn dân. Đà Lạt là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên. Với sự nhất quán trong việc thực thi ý tưởng xây dựng một thành phố cảnh quan, các kiến trúc sư người Pháp đã tạo nên những đặc điểm nổi trội của kiến trúc đô thị Đà Lạt – như quy hoạch đô thị theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, những phân khu chức năng bố trí linh hoạt…
Với lịch sử hơn 100 năm, Đà Lạt tuy không phải một thành phố cổ kính nhưng cũng đã xây dựng được cho mình không ít những công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo. Hầu hết các công trình nổi tiếng của Đà Lạt đều hòa hợp với thiên nhiên, tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh cảnh quan thành phố.
Thành phố Đà Lạt được xây dựng trên một vùng cao nguyên với cảnh quan tươi đẹp và khí hậu ôn hòa.
cong-vien-anh-sang
 Công viên Ánh sáng 
Địa hình nhấp nhô mềm mại của cao nguyên, không gian mặt nước của các suối, hồ, màu xanh của các rừng thông, thảm cỏ …tất cả tạo nên cảnh quan đặc thù của thành phố. Địa hình Đà Lạt chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những mảng riêng biệt, rõ nét và tạo nên những lớp cảnh quan đa dạng. Với khuôn viên rộng lớn bao trọn cả ngọn đồi, các công trình kiến trúc này là những quần thể kiến trúc quy mô nằm nép mình vào thiên nhiên, ẩn hiện trong màu xanh của rừng thông. Các trung tâm hành chính, văn hóa và thương mại như khu Hòa Bình, đường Trần Phú, đường Phan Đình Phùng… được bố trí trên những ngọn đồi hoặc các không gian rộng rãi, bằng phẳng, vì thế dễ dàng xây dựng hệ thống giao thông với những đại lộ thẳng và ít dốc.
hxh-nay
  Một góc Hồ Xuân Hương
Trong những thung lũng xen giữa các ngọn đồi của Đà Lạt, rất nhiều những dòng suối nhỏ chảy qua. Kiến trúc sư Ernest Hébrard đã tạo tiền đề quan trọng cho cảnh quan thành phố khi đề xuất xây dựng một chuỗi hồ nhân tạo trong đồ án quy hoạch năm 1923. Từ thời kỳ đó cho tới ngày nay, việc tạo lập các hồ nước vẫn được tiến hành đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Các công trình hồ nhân tạo không chỉ đem lại nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn tô điểm cho cảnh hoang sơ và là những trung tâm bố cục để sắp xếp các phân khu chức năng.
Nhìn toàn cảnh, Đà Lạt hiện nay vẫn là một công viên khổng lồ với rừng thông bạt ngàn bao phủ. Nhưng trong trung tâm thành phố, nhiều không gian xanh dần biến mất, nhường chỗ các công trình xây dựng. Những con phố thương mại như đường Phan Đình Phùng, đường 3 tháng 2, đường Nguyễn Văn Trỗi, khu Hòa Bình… hầu như vắng bóng cây xanh, trong khi đó nhiều khu du lịch lại mất đi nét hoang sơ bởi màu xanh tự nhiên bị thay thế bởi những chậu cây cảnh.